Công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật mà đích đến là làm sao cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống Nhân dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin; từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Thực tiễn cho thấy, để tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng “Dân vận khéo”.
Trước tiên, người cán bộ phải biết “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Việc lắng nghe dân nói thể hiện thái độ tôn trọng dân của cán bộ sẽ tạo cho người dân cảm thấy được tin cậy, động viện họ tích cực suy nghĩ, tham gia đóng góp ý kiến. Ngược lại, người dân sẽ không nhiệt tình góp ý, bàn bạc nếu biết trước người cán bộ chỉ nghe mà không lưu tâm đến ý kiến của họ, không có thái độ tôn trọng họ. Muốn “Dân vận khéo” thì cán bộ phải chú ý dành thời gian để gần dân, tiếp xúc với dân. Gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân là rất cần thiết; nhiều khi nhu cầu, nguyện vọng nảy sinh ở Nhân dân là ý tưởng để hình thành một chủ trương mới, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người cán bộ có thể giữ vị trí là một người nghe bình thường hoặc nghe “ẩn mình”; cách thức lắng nghe này đôi khi rất hiệu quả bởi vì người dân dễ nói thật lòng những mắc mớ, nghi ngờ của họ khi không đối diện với người cán bộ lãnh đạo. Nếu người cán bộ được dân yêu quý, tín nhiệm thì “khoảng cách tâm lý” trong giao tiếp được rút ngắn, người dân thấy không tự ti, ngần ngại khi phát biểu ý kiến, họ sẽ “trải lòng” tất cả tâm tư, suy nghĩ của mình với cán bộ. Qua đó, người cán bộ sẽ nắm được tâm trạng của Nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra những định hướng đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của địa phương.
Thứ hai, trong công tác tuyên tuyền, vận động quần chúng Nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng bằng lời nói và việc làm cụ thể để người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, từ đó tin tưởng và đồng tâm thực hiện. Muốn vậy, người cán bộ phải khéo léo trong quá trình giải thích, chứng minh bằng những quy định trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để làm rõ vấn đề muốn truyền đạt đến Nhân dân là “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”; đồng thời, bằng những lập luận khoa học phải bác bỏ những nhận thức lệch lạc, hành vi sai trái để hình thành và củng cố những nhận thức, niềm tin đúng đắn ở Nhân dân. Trong thực tế, khi tiến hành công tác vận động quần chúng, nhất thiết cán bộ phải xâm nhập vào đời sống của Nhân dân, phải hiểu được phong tục, tập quán của từng vùng, miền, địa phương, phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm, biết vận dụng sáng tạo vào từng hoàn cảnh, trường hợp, đối tượng cụ thể mới vận động, thuyết phục có hiệu quả.
Thứ ba, người cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại với Nhân dân, phân công từng cấp ủy viên về dự sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố, khu dân cư để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương mình và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; quan tâm theo dõi chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc để người dân không phải kiến nghị nhiều lần. Trong thực tế thì đây là cách làm “Dân vận khéo” rất hiệu quả và cũng là cách đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác vận động quần chúng. Vì qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề Nhân dân bức xúc sẽ được giải quyết thỏa đáng; từ đó, tạo niềm tin của Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Thứ tư, cán bộ phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thể hiện đức tính khiêm tốn, niềm nở, lịch thiệp, dũng cảm để người dân mạnh dạn trao đổi, bàn bạc, góp ý khi “khoảng cách tâm lý” giữa cán bộ lãnh đạo và người dân được rút ngắn. Ngược lại, người dân sẽ rất ngại trao đổi với những cán bộ có tính tự cao, tự đại, lạnh lùng, nóng nảy. Cán bộ phải dũng cảm thừa nhận những quyết định sai lầm, không bảo thủ, không bao biện khi thấy mình làm sai, đây cũng là một đức tính của người cán bộ để quần chúng nhân dân thêm yêu quý, mến phục và sẵn lòng đóng góp ý kiến phản biện có tính chất xây dựng mà không e ngại.
|